Xây dựng Khu du lịch chùa Hương thành quần thể danh thắng tầm cỡ

Sáng 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đồng chủ trì cuộc họp bàn phương án quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Xây dựng chùa Hương Tích thành khu du lịch tầm cỡ, qua đó phát huy hơn nữa các giá trị văn hoá, lễ hội truyền thống”

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Xây dựng chùa Hương Tích thành khu du lịch tầm cỡ, qua đó phát huy hơn nữa các giá trị văn hoá, lễ hội truyền thống”

Chùa Hương Tích được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể khu du lịch từ năm 2015 và quy hoạch chi tiết phục vụ dự án ADB cuối năm 2016. Cùng với đó, các hạng mục công trình và diện tích đất, rừng cần giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án cũng được phê duyệt.


Ông Nguyễn Duy Vỵ - Trưởng Ban quản lý Khu di tích chùa Hương Tích: Thực hiện
quyết định mới, cùng với lượng Phật tử tăng lên, mô hình quản lý hiện nay
đã bộc lộ những hạn chế. Thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền,
kêu gọi doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư lĩnh vực dịch vụ.
 

Theo đó, huyện Can Lộc đã tiến hành đã thu hồi và giải phóng mặt bằng hơn 10ha tại các khu vực khác nhau; hiện đang lập thủ tục đền bù giao đất cho Ban quản lý dự án diện tích 9,15ha để xây dựng đường xe điện, ga đi, ga đến.

UBND huyện cũng đã tập trung đầu tư, nâng cấp nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tại chùa Hương, công tác kêu gọi thu hút đầu tư đã đạt những kết quả nhất định. Đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư như: Công ty CP cáp treo Chùa Hương đầu tư ca bin cáp treo 120 tỷ đồng; tập đoàn An Viên công đức xây dựng quần thể Chùa, tháp tại nền Trang Vương gần 50 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực miền Bắc đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống điện chiếu sáng, sinh hoạt gần 5 tỷ đồng.

 


Giám đốc Sở VHTT&DL Bùi Xuân Thập chưa đồng tình với hoạt động
của các chủ thể tham gia quản lý Khu di tích Chùa Hương; một số dự án triển khai chậm
ảnh hưởng đến việc khai thác di tích.

Hiện tại, Ban quản lý dự án đang xúc tiến các thủ tục để khởi công xây dựng các công trình thuộc dự án “Cải thiện môi trường và nâng cấp hạ tầng khu du lịch chùa Hương Tích” do ngân hàng Châu Á ADB đầu tư, khoảng 7 triệu USD.

Lượng du khách đến với chùa Hương Tích trong nhiều năm gần đây tăng đáng kể. 6 tháng đầu năm 2017 có gần 13,5 vạn lượt khách đến chiêm bái, lễ Phật. Công tác thu phí, công đức từ năm 2012 đến tháng 6/2017 đạt 15,67 tỷ đồng; riêng thu phí và lệ phí 6 tháng năm 2017 đạt 2,73 tỷ.

Tuy nhiên, tại chùa Hương, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng sang phục vụ phát triển du lịch chưa thực hiện hoàn thành nên Khu du lịch chùa Hương Tích đang hoạt động trên diện tích thuộc nhiều đơn vị cùng tham gia quản lý. Dự án do ngân hàng Châu Á ADB đầu tư khởi động từ năm 2013 nhưng chậm triển khai nên gần như cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được xây dựng, đặc biệt là tuyến đường 5km từ bến thuyền vào ga đi cáp treo. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư mặc dù đã được cấp phép nhưng vẫn chưa xây dựng các hạng mục thiết yếu.

Tại cuộc họp, các sở, ngành liên quan và chính Ban quản lý chùa Hương cũng cho rằng, mô hình quản lý hiện nay không còn phù hợp trong tình hình mới.
 
 
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh khẳng định: Chùa Hương Tích được xem là tài sản của tỉnh, thời gian qua đã phát huy các giá trị di tích, danh thắng, đồng thời thu hút được các nhà hảo tâm, các nhà đầu tư quan tâm, cùng chung sức phát huy giá trị.

Tuy nhiên, tại Khu du lịch Chùa Hương còn nhiều bất cập, chồng chéo trong quản lý, thiếu hiệu quả trong khai thác, đầu tư còn manh mún, các hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư, quản lý lễ hội còn những bất cập. Ban quản lý chùa Hương Tích phối hợp chưa hiệu quả với nhà chùa và các ban, ngành, địa phương liên quan.
Từ đánh giá thực trạng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng Khu du lịch chùa Hương Tích và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm. Giao Sở Nội vụ tham mưu xây dựng mô hình quản lý khu du lịch này theo hướng tinh gọn bộ máy, hiệu quả; về quản lý vận hành, điều hành phải chuyển đổi sang doanh nghiệp.

“Việc thay đổi mô hình quản lý là cần thiết, mục đích không chỉ là khắc phục những tồn tại, hạn chế mà quan trọng là hướng tới xây dựng chùa Hương thành khu du lịch tầm cỡ, qua đó phát huy hơn nữa các giá trị văn hoá, lễ hội truyền thống”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Di tích - Danh thắng chùa Hương được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 1990 (Quyết định số 309/QĐ-BVHTT). Ngày 14/3/2002, UBND huyện Can Lộc thành lập BQL Khu di tích chùa Hương Tích theo Quyết định số 163/QĐ-UBND. Đến năm 2007, UBND tỉnh công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh. Ngày 13/02/2009, UBND tỉnh thành lập Ban quản lý Khu Du lịch chùa Hương Tích theo Quyết định số 376/QĐ-UBND.

Nguồn tin: baohatinh.vn