Sau gần 50 năm mất tung tích của con trai, gần đây một bà mẹ 93 tuổi tại huyện Can Lộc mới phát hiện con trai đã hy sinh. Giấy báo tử được phát hiện trong tủ hồ sơ của Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ Lê Thị Yến trước di ảnh con trai Nguyễn Văn Hùng (ảnh: T.Hoa) |
Tờ giấy báo tử bị lãng quên
Cụ Lê Thị Yến (ở thôn Yên Bình, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc) có ba người con, hai trai, một gái. Con trai đầu của cụ là ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1948), nhập ngũ năm 1966. Cụ Yến là vợ liệt sĩ, có chồng là cụ Nguyễn Quốc Khánh hy sinh năm 1967 tại mặt trận Quảng Trị.
Cháu nội của cụ Yến là anh Nguyễn Văn Ba (SN 1988, con trai ông Nguyễn Văn Dũng, gọi ông Hùng là bác) kể lại: Cả ông nội và bác cả đều chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Năm 1966 bác Hùng viết đơn xin nhập ngũ tại mặt trận Côn Tiên, Dốc Miếu (Quảng Trị). Năm 1967 thì ông nội hy sinh. Sau 3 năm, bác Hùng cũng biệt vô âm tín và cũng từ đó có tin đồn bác ấy theo địch.
“Đằng đẵng từ đó, gia đình không nhận bất kỳ một thông tin, giấy tờ liên quan nào đến bác Hùng đã hy sinh hay mất tích. Chỉ đến gần đây nhất vào tháng 8/2017, tôi nhận được thông tin từ một người quen làm việc tại Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết phát hiện giấy báo tử của bác Hùng tại Sở. Tôi vào tìm, quả đúng như vậy” - anh Ba cho biết.
Giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng hy sinh tại mặt trận Bình Trị Thiên (ảnh: T.Hoa) |
Mặt sau giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng. |
Cũng theo anh Ba, giấy báo tử ghi rõ: “Đồng chí Nguyễn Văn Hùng (SN 1948), cấp bậc trung sĩ, đơn vị chiến đấu là đại đội 3, tiểu đoàn 17, sư đoàn 325, nguyên quán xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh. Nhập ngũ ngày 16/4/1966, có mẹ là Lê Thị Yến. Hy sinh ngày 20/7/1969 tại Cồn Tiên, Dốc Miếu (Trị Thiên, tỉnh Bình Trị Thiên), hy sinh trong lúc chiến đấu. Được xác nhận là liệt sĩ. Thi hài mai táng tại nghĩa trang mặt trận”.
Giấy báo tử được chuyển về Hà Tĩnh ngày 6/7/1987, do đại tá Nguyền Hữu Quyền ký.
Ở mặt sau giấy báo tử ở mục lương chính sách và các khoản thu nhập nghi rõ dòng chữ: “Hai trăm năm mươi đồng chẵn. Chuyển tuất tháng 12/1969.
“Lúc này, gia đình vừa vui mừng vừa lo lắng, theo chỉ dẫn, tôi sang Bộ chỉ huy quân sự tỉnh hỏi về bảng trích lục “Thông tin về quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh” cũng ghi giống với giấy báo tử về ngày tháng nhập ngũ, hy sinh của bác tôi” – anh Ba cho hay.
Nỗi buồn của người mẹ già 93 tuổi
Trong căn nhà 2 gian, cụ Yến đã 93 tuổi, tai nghe không rõ, chân tay run rẩy cầm lấy tấm hình thờ con trai, miệng nở nụ cười mà nói: “Thằng Hùng, con trai tôi, nó hy sinh rồi!”.
Trong ký ức của cụ Yến, nỗi đau mất người thân vẫn còn nguyên như hôm nào. Năm 1966, con trai Nguyễn Văn Hùng của cụ viết đơn tình nguyện đi bộ đội mặc dù cha đang ở chiến trường. Một năm sau, chồng cụ hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì năm 1969 gia đình cụ Yến nghe tin đồn là ông Hùng đã đi theo địch rồi mất tin, mất tích luôn từ đó.
Đơn yêu cầu giải quyết chế độ chính sách cho liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng, đại diện cháu ruột làm đơn (ảnh: T.Hoa) |
“Từ đó, suốt gần 50 năm qua, bà nội tôi luôn tâm trạng buồn rầu, day dứt, lúc nào bà cũng dặn tôi: "Chỉ còn mày là cháu trai, mày phải thực hiện di nguyện của bà là tìm cho được bác Hùng còn sống hay đã hy sinh. Nếu bác mày theo địch như lời ta đồn đại thì cũng phải làm rõ. Bà có chết cũng nhắm mắt, xuôi tay. Làm nhanh nhanh, không mai kia bà chết đi không siêu thoát được"” – anh Ba chia sẻ.
Anh Ba cho biết thêm: “Chỉ gần đây, khi tôi nói với bà, cháu vừa phát hiện giấy báo tử của bác Hùng đã hy sinh được "cất giữ” trong tủ giấy tờ tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh thì từ đó bà tôi mới bắt đầu cười, nói vui vẻ. Đêm nào, bà cũng thao thức, có những đêm bà thức dậy giữa khuy, thắp hương lên bàn thờ ông nội, bác và cha tôi, bà lẩm bẩm điều gì đó, tôi không rõ, chỉ thấy mắt bà ươn ướt”.
Anh Ba cho biết anh đã rất nhiều lần viết đơn gửi đi các cấp từ địa phương đến Trung ương để hỏi về trường hợp bác mình mà không nhận được hồi đáp.
Suốt nửa thế kỷ gia đình mang tiếng oan có con trai theo địch (ảnh: T.Hoa) |
Đau đớn vì mất chồng, lại thêm thị phi về việc con trai đi theo địch, cụ Yến cứ sống lặng lẽ với ước vọng có một phép màu đưa người con của cụ từ chiến trường trở về, hay ít ra cũng có một thông tin nào đó về con. Nhưng rồi đất nước hòa bình, mong mỏi của cụ càng thêm vô vọng.
“Giờ sức khỏe của bà đã yếu. Ước nguyện lớn nhất của bà, dù con bà có công hay có tội thì Nhà nước cũng phải có trách nhiệm làm rõ sự việc. Đặc biệt là giải thích rõ, tại sao có giấy báo tử của bác Hùng “nằm” ở Sở LĐTB&XH tỉnh, tại sao có bảng trích lục tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh từ lâu mà cơ quan chức năng không có một thông báo nào tới gia đình tôi. Chỉ khi tôi phát hiện thì họ mới gửi lại. Thậm chí chị Diên làm việc tại Sở LĐTB&XH còn nói với tôi:“Nếu biết anh xin giấy báo tử để làm thủ tục nhận chế độ thì tôi sẽ không cấp!” – anh Ba bức xúc nói.
Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo làm rõ
Trao đổi với PV Báo Infonet Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết ông đã nhận được thông tin về trường hợp cụ Nguyễn Thị Yến có con trai là Nguyễn Văn Hùng có giấy báo tử đã hy sinh sau gần 50 năm không có tung tích. "Tôi đã chỉ đạo anh em các đơn vị phải làm rõ sự việc, tiến hành rà soát lại tất cả các hồ sơ, thủ tục".
“Theo điều 2 tại Nghị định 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì bà Yến đủ điều kiện để được nhận danh hiệu vinh dự này, vì có chồng và con là liệt sĩ. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt nên tôi yêu cầu anh, em phải làm rõ, nếu đúng phải nhanh chóng trả lại danh dự cho gia đình" – ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, sau việc chứng thực thông tin về liệt sĩ, việc giải quyết danh hiệu vinh dự và chính sách cho Mẹ Việt Nam anh hùng này vẫn chưa được các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh thực hiện vì còn nhiều “vướng mắc”.
Căn nhà 2 gian lụp xụp của cụ Lê Thị Yến (ảnh: T.Hoa) |
Phóng viên liên lạc với ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh thì ông từ chối trả lời vào lúc này với lý do: Sự việc chưa rõ ràng. Sở đang phối hợp các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ một số nội dung liên quan vấn đề này.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: "Đây là trường hợp đặc biệt, chưa xảy ra tại tỉnh kể từ khi tôi làm việc 10 năm tại Sở. Tôi cũng chưa nghe nói về trường hợp này bao giờ. Chỉ căn cứ giấy báo tử này thì không thể giải quyết chế độ chính sách cho người thân liệt sĩ được, vì nó còn liên quan đến nhiều giấy tờ, thủ tục khác, đặc biệt là có hồ sơ lưu trữ của liệt sĩ Hùng".
Khi phóng viên hỏi tại sao có bảng trích lục lưu tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thì trung tá Nguyễn Văn Tuyết, trợ lý Ban chính sách (được đại tá Trần Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh ủy quyền trả lời báo chí) cho biết: Đơn vị không lưu bảng này, mà khi gia đình đến hỏi bảng trích lục thì chúng tôi mới tải phần mềm đó trên mạng và in ra cho gia đình trên cơ sở gia đình phải trình được các giấy giới thiệu và giấy báo tử.
Trung tá Tuyết cũng thông tin: "Với người làm lâu năm trong mảng chính sách, được cho đi học nhiều về nghiệp vụ liên quan đến các chính sách người có công thì tôi được biết, giấy báo tử thường được đơn vị thông báo cho gia đình thân nhân ngay sau khi đã hy sinh hoặc sau năm 1975 (sau giải phóng), chứ giấy báo tử này lại ghi năm 1987 (nghĩa là hơn 10 năm sau). Điều này hơi lạ! Vì thế, theo suy nghĩ cá nhân, đây là trường hợp có vấn đề nên cần phải điều tra, xác minh cụ thể.
Tôi cũng nói thêm, có nhiều trường hợp tôi từng gặp là mất tích trong chiến trận (vượt biên, không tìm thấy thi thể) cũng được công nhận liệt sĩ. Thậm chí, có trường hợp thân nhân đang còn sống nhưng gia đình ở nhà vẫn được nhận chế độ chính sách. Có trường hợp được công nhận Bằng tổ quốc ghi công nhưng vẫn không được công nhận là liệt sĩ…"
Bảng trích lục tên liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng trên mạng được cung cấp tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh (ảnh: T.Hoa) |
Ông Phạm Văn Công, Phó trưởng phòng Người có công - Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh cho biết: Nội dung giấy báo tử công nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng, không cần xác minh thêm nữa! Vì nó đã rõ ràng. Ở đây chỉ còn việc thân nhân liệt sĩ chưa được hưởng chế độ chính sách như quy định.
“Phương án của chúng tôi bây giờ là phát văn bản cho Cục chính sách - Bộ Quốc phòng, là cơ quan cấp giấy báo tử và thẩm định giải quyết chính sách, yêu cầu rà soát và chuyển một bộ hồ sơ về cho Sở để lưu và giải quyết chính sách. Đồng thời yêu cầu huyện Can Lộc phối hợp với xã Quang Lộc kiểm tra, tìm kiếm các thông tin để bổ sung hồ sơ, phải khẳng định rằng hồ sơ này chưa có ai hưởng chính sách, sau đó Sở sẽ giải quyết chính sách cho thân nhân. Sau khi hoàn tất thủ tục, chúng tôi cũng sẽ xin ý kiến của Bộ LĐ-TB-XH là cho hưởng từ thời gian nào” - ông Phạm Văn Công nói.
Trương Hoa