5 kinh nghiệm đi chùa Hương để tránh không bị “chặt chém”.

Chùa Hương là một ngôi chùa được nhiều du khách thập phương tìm đến vào mỗi dịp lễ Tết. Tuy nhiên, thời gian gần đây, địa điểm này bị nhiều khách du lịch phản ánh bởi tình trạng chặt chém một cách không thương tiếc.

Với 5 kinh nghiệm sau sẽ giúp ích thật nhiều để bạn có thể chủ động trong chặng hành trình du lịch và khám phá chùa Hương của mình.

Xác định rõ hành trình trước khi lên đường

Bản đồ đường đi Chùa Hương (Ảnh internet)

Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) là một danh lam thắng cảnh, một di tích lịch sử văn hoá, tín ngưỡng nổi tiếng của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Tại đây có rất nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng như Đền Trình, động Hương Tích, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, chùa – động Long Vân…

Để tham quan hết các điểm di tích, thắng cảnh ở chùa Hương du khách có thể mất nhiều ngày. Vì vậy, trước khi lên đường, du khách cần xác định hành trình tham quan cho mình để tiện cho việc mua vé các tuyến thuyền đò từ Ban tổ chức lễ hội.

Mua vé trực tiếp từ Ban tổ chức lễ hội

Việc sở hữu vé vào tham quan và vé đi đò sẽ giúp du khách chủ động trọng việc tìm đò và tránh bị “cò đò” chèo kéo ép giá.

Du khách không đi theo tour du lịch thì nên trực tiếp vào mua vé tham quan và vé đi thuyền đò từ điểm bán vé của Ban tổ chức lễ hội đặt cạnh cổng vào khu di tích và thắng cảnh chùa Hương (giá vé tham quan là 50 nghìn đồng, giá vé thuyền đò phụ thuộc vào các tuyến tham quan).

Cảnh giác và cắt đuôi “cò đò”

Khi qua Quốc lộ 32B, nhiều du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi có người bám theo suốt chặng đường (có thể cách chùa Hương hàng chục km). Người này sau đó đưa ra lời đề nghị dẫn đường, lo chỗ để xe, để đồ và đưa đi tham quan các điểm trong chùa Hương bằng đò.

Thực chất đây là những tay “cò đò” nên du khách nên dứt khoát “cắt đuôi” ngay từ đầu bằng một lý do thuyết phục ví như “không về chùa Hương”.

Thỏa thuận trước khi mua hàng để không bị “chém” oan

Chùa Hương là địa điểm được nhiều người lựa chọn nên luôn đông đúc vào mỗi dịp lễ hội (Ảnh internet)

Theo khuyến cáo của một lái đò tại chùa Hương, du khách khi đi tham quan không nên sử dụng bất cứ mặt hàng gì ở các hàng quán bên đường mà không thỏa thuận giá cả trước. Thông thường, các mặt hàng bán ở bến Trò sẽ rẻ hơn so với các mặt hàng ở các hàng, quán ven đường lên động Hương tích.

Xuống thẳng bến Yến tìm đò đi ghép

Tại bến Yên luôn có những lái đò sẵn sàng chở du khách đến các điểm tham quan nếu nhận được vé từ Ban tổ chức lễ hội. Vì vậy, sau khi đến bến Yến, du khách nên chủ động tìm cho mình một người lái đò thay vì nghe lời “chèo kéo” từ một số người ở bến đò.

Vào mùa lễ hội có khoảng 5.000 chiếc thuyền đò của nhân dân trong xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) neo đậu tại bến Yến (bến đò đón khách đến các điểm tham quan tại khu di tích chùa Hương) đưa đón du khách vào – ra khu di tích danh lam thắng cảnh chùa Hương.

Mỗi đò ở chùa Hương chở khoảng 10-20 người, vì vậy nếu du khách đi 1-2 người thì nên chủ động tìm đò đi ghép.

An Bình (t/h)
Theo Đời sống Plus