Du khách thích thú khi được chứng kiến tận mắt cảnh dệt thổ cẩm tại Sa Pa.
Đặc biệt, hoa văn thổ cẩm trên trang phục của các dân tộc ở Sa Pa thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay, sự cần cù lao động và trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Trở thành sản phẩm du lịch
Tháng tư, khi những cơn mưa mùa hè trút xuống báo hiệu mùa nước bắt đầu, bà con bắt tay vào vụ. Len lỏi qua từng dải ruộng bậc thang mùa nước đổ sáng lấp lánh như một bức tranh thủy mặc, chúng tôi tìm về trung tâm xã Lao Chải. Từ đầu bản Hàng Lao Chải, những người phụ nữ đang miệt mài với đường kim mũi chỉ, tước sợi để làm nên từng tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu.
Đến Câu lạc bộ làm thổ cẩm Giàng Thị Mẩy, chúng tôi bị choáng ngợp bởi nhiều sản phẩm thổ cẩm được xếp chồng lên nhau. Hoa văn trên vải của người Mông nơi đây là những trang ký sử, những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước sống động. Với nguyên liệu là cây lanh sau khi thu hoạch về, người phụ nữ Mông phải làm qua nhiều công đoạn như: tách sợi, giã, nối sợi, luộc, xe sợi, dệt thành vải, in sáp ong, nhuộm chàm tự nhiên, nhuộm màu để sau đó có được những sản phẩm thêu đẹp, độc đáo.
Chị Giàng Thị Mẩy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Thổ cẩm của người Mông Sa Pa có gam màu trầm khác hẳn với hoa văn sặc sỡ của các nhóm người Mông khác. Vì vậy, kỹ thuật làm thổ cẩm của họ cũng vô cùng đặc sắc từ cách dệt vải, nhuộm chàm cho đến kỹ thuật phối màu và in sáp ong. Những sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ để may áo hoặc may váy, để làm ra một mảnh vải phải ít nhất hai tuần còn hoàn chỉnh một bộ quần áo phải mất tới một năm. Với bàn tay khéo léo và thẩm mỹ tinh tế, người phụ nữ Mông khi làm sản phẩm luôn tỉ mỉ, đặc biệt là kiên trì đến cùng để hoàn thành sản phẩm.
Những năm gần đây, du lịch Sa Pa ngày càng phát triển. Bằng đường kim mũi chỉ, những người phụ nữ ở xã Lao Chải đang dệt nên ấm no, hạnh phúc, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Chị Tẩn Thị Giả, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lao Cải cho biết, trước đây, đời sống phụ nữ ở Lao Chải khó khăn vì chỉ biết cặm cụi lao động, dệt váy áo cho mình và phục vụ gia đình mà chưa bao giờ nghĩ trở thành sản phẩm du lịch bán cho du khách để tăng thu nhập.
Nhận thấy từ lợi thế của địa phương, với lượng khách du lịch khá đông, tìm hiểu văn hóa bản làng, chúng tôi mạnh dạn thành lập 3 Câu lạc bộ thổ cẩm (Thào Thị Dua, Giàng Thị Dở, Giàng Thị Mẩy) để bảo tồn, phát triển nghề thổ cẩm của người Mông ở Lao Chải, giúp phụ nữ cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập.
Nghề làm thổ cẩm ở xã Lao Chải hiện tạo việc làm cho 45 phụ nữ. Sản phẩm thổ cẩm đa dạng, phong phú, không chỉ được bán ngay tại địa phương, các tỉnh khác mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước.
Bảo tồn văn hóa vùng cao
Xã Nậm Sài là thủ phủ nghề thêu tay thổ cẩm truyền thống của dân tộc Xa Phó đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể. Hơn 60 nóc nhà, người Xa Phó ở bản Nậm Kéng, xã Nậm Sài cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc, nghề truyền thống.
Theo chị Lý Thị Ngay, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thổ cẩm thôn Nậm Kéng, dệt thổ cẩm luôn gắn bó với người phụ nữ Xa Phó. Người Xa Phó quan niệm rằng người phụ nữ có khéo léo hay không chỉ cần nhìn vào những nét hoa văn trên trang phục của họ đang mặc là biết. Do vậy, ngay từ nhỏ, các cô gái đã phải học cách dệt và tự may trang phục cho mình. Với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai và Craft Link (Tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận và công bằng thương mại của Việt Nam), từ năm 2013, khoảng 40 hoa văn truyền thống trên trang phục của người Xa Phó bị lãng quên lãng đã được khôi phục.
Với sự hỗ trợ trên, Câu lạc bộ thổ cẩm thôn Nậm Kéng đã thêu tay được hàng nghìn sản phẩm với 15 mẫu xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…Đồng thời, nghề thêu thổ cẩm đã tạo việc làm cho hơn 40 phụ nữ Xa Phó. “Nhờ phát triển nghề thêu thổ cẩm, bình quân mỗi chị em vào những ngày nông nhàn có thêm thu nhập gần 1,5 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào sản phẩm bán cho du khách. Nhiều chị mong được tập huấn thêm về mẫu mã nhưng vẫn dựa trên hoa văn của người Xa Phó để có những sản phẩm độc đáo, lạ mắt thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến”, chị Ngay chia sẻ.
Nhiều sản phẩm được cách điệu dựa trên hoa văn của người Xa Phó như vòng tay, vỏ gối, băng đô đã thu hút nhiều khách du lịch đến tìm hiểu và đôi khi họ mua làm quà tặng cho bạn bè. Bạn Vũ Thị Nga, du khách Hà Nội rất thích thú với chiếc ví vừa mua ở cửa hàng bán hàng thổ cẩm của chị em thôn Nậm Kéng chia sẻ: Sản phẩm thổ cẩm ở đây đã tạo sức hút khi nhìn thấy từ lần đầu tiên. Những họa tiết, hoa văn được thêu tỉ mỉ, độc đáo mà chỉ có phụ nữ Xa Phó mới làm được. Đến đây, được tận mắt nhìn thấy những đôi tay mềm mại lướt theo từng mũi chỉ, tôi phần nào hiểu sâu hơn về văn hóa của người Xa Phó ở Sa Pa”.
Lưu giữ và phát triển nghề truyền thống, tạo những sản phẩm độc đáo thu hút du lịch là cách làm nhiều địa phương trong cả nước đang thực hiện. Nghề làm thổ cẩm ở Sa Pa đã và đang có những bước đi phù hợp để phát triển, góp phần bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao./.
|