Những món ngon “chưa ăn chưa đến Hà Giang”
- Hà Giang không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên làm say lòng người mà còn có những món ăn mang đậm sắc màu văn hóa vùng cao. Thắng cố, bánh cuốn trứng hay thắng dền,… là những món đặc sản mà du khách nên một lần thưởng thức khi đến với nơi đây.
Những tuần gần đây, nhiều người háo hức lên kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi đến với lễ hội hoa tam giác mạch. Lên Hà Giang, được tận mắt chiêm ngưỡng cánh đồng hoa rực rỡ, được tự mình thưởng thức những đặc sản độc đáo nơi đây, đó sẽ là những kỉ niệm đáng nhớ đối với bất cứ ai.
1. Lẩu thắng cố
Nhiều người ví, lên vùng cao nguyên cực Bắc mà chưa thưởng thức món thắng cố và uống rượu ngô thì coi như vẫn chưa thấy được nét văn hóa đặc trưng của đất cao nguyên đá Đồng Văn.
Thắng cố, theo tiếng Mông nghĩa là “nồi nước” hay “canh thịt”, là món ăn truyền thống của người Mông và các dân tộc thiểu số khác ở Hà Giang. Muốn ăn thắng cố du khách có thể tới các chợ phiên ở Đồng Văn, Mèo Vạc. Chợ phiên Đồng Văn thường họp một tuần một buổi vào sáng chủ nhật, là nơi đến nay còn thường xuyên nấu thắng cố.
Thắng dền nghi ngút khói trong chợ phiên
Nguyên liệu chính để làm thắng cố là toàn bộ phần nội tạng, xương, phần đầu và tứ chi của trâu, bò, ngựa hay dê được làm sạch, cắt miếng, ướp gia vị, hạt tiêu, ớt, thảo quả. Đem cho tất cả vào chảo xào qua lửa rồi đổ nước, ninh kĩ trong nhiều giờ, đến khi các thứ chín nhừ thì điều chỉnh nhỏ lửa hơn.
Các loại gia vị cho chảo thắng cố cũng là những sản vật tự nhiên trong vùng như thảo quả, củ sả, hạt dổi, hạt tiêu,…
Thắng cố là món ngon chỉ có ở Hà Giang
Thắng cố không hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng khi đã ăn một tô thắng cố nóng cùng với mèn mén, nhấp vài chén rượu ngô, du khách sẽ cảm thấy bị cuốn hút lạ thường.
Vị béo ngậy cộng với vị ngọt bùi của thắng cố xua tan đi cái lạnh vùng cao, tạo cho món ăn một dư vị không thể nào quên.
2. Rượu ngô
Rượu ngô ở Hà Giang được nấu từ ngô do chính người dân tộc ở đây trồng ra.
Ngô được ủ với men lá truyền thống. Khi uống rượu, du khách sẽ thấy vị ngọt, thơm của ngô cùng vị cay cay nóng của men.
Cùng ngồi thưởng thức rượu ngô, con người như được xích lại gần nhau hơn.
Để có được những hạt ngô ngon to nhất để làm rượu ngô, người dân tộc Mông đã phải gùi đất đổ vào các hốc đá rồi tra từng hạt ngô vào đó để trồng. Bằng công lao vất vả để làm ra những chén rượu ngô ngọt, du khách sẽ hiểu được giá trị cuộc sống ở nơi này.
Rượu ngô không chỉ là thức uống bình thường. Nó được sinh ra từ cuộc sống lao động vất vả, mang trong mình giá trị tinh thần và từ lâu đã trở thành cấu nối tình người trên Cao nguyên đá Hà Giang.
3. Bánh cuốn trứng
Bánh cuốn trứng Hà Giang là một món ăn độc đáo, khác xa so với những món đặc sản khác ở Hà Giang.
Không giống như bánh cuốn ở dưới xuôi, bánh cuốn trứng Hà Giang có hương vị rất độc đáo.
Bánh ở đây khi được tráng trên bếp được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bánh trắng ngần ấy gói lại. Khi ăn sẽ ăn kèm với một bát nước lèo nóng hổi thả giò trắng thơm ngon ở trong.
Nhiều hàng, quán ở Hà Nội hay các tỉnh phía Bắc dù cố làm bánh cuốn Hà Giang, nhưng không nơi nào tạo được nét độc đáo hay có hương vị vẹn tròn như nơi đây.
4. Thắng dền
Thắng dền là món bánh ăn chơi mùa đông, nên phải khi có gió lạnh tràn về thì người ta mới bắt đầu làm bánh. Thắng dền thoạt nhìn trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội nhưng lại có cách chế biến và hương vị khác biệt, khiến du khách ăn thử một lần sẽ thấy ấm áp khó quên.
Mỗi viên thắng dền được nặn hình tròn, có nhân đỗ hoặc không nhân, sau đó cho vào nồi nước dùng luộc. Đến khi chín, bánh nổi lên được vớt ngay ra bát, chan nước dùng xâm xấp mặt bánh, rắc thêm chút vừng và lạc rang thơm khiến cho món ăn thêm hấp dẫn.
Nước dùng chan thắng dền được làm từ đường hoa mai, dừa và gừng. Tuy nhiên mỗi người làm bánh lại có bí quyết pha chế theo định lượng riêng để đảm bảo độ cay, ngọt vừa phải của món bánh.
Thắng dền thơm ngon hay không chính là ở bát nước dùng, phải hài hòa giữa vị ngọt của đường, béo ngậy của dừa và vị vay se se của gừng tươi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào miệng, nhẩn nha cho từng hương vị tan ra nơi đầu lưỡi, ngon đến khó lòng cưỡng lại.
5. Bánh tam giác mạch
Bánh được làm từ hạt tam giác mạch, thứ mà ít người để ý bởi mải ngắm những cánh hoa muôn hồng nghìn tía.
Bánh tam giác mạch bây giờ hầu như chẳng mấy ai làm nữa. Một phần vì làm nó chẳng dễ, một phần vì giá bán chẳng đáng là bao so với công làm. Nhưng lên những phiên chợ, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp món bánh đặc biệt này.
Hạt tam giác mạch bé xíu còn chưa bằng nửa hạt đậu đen, xay nhỏ thành thứ bột thật mịn. Bột nhào với nước thành hỗn hợp dẻo mềm rồi cho vào khuôn đúc thành từng tấm bánh tròn xoe.
Bánh tam giác mạch được nướng ở phiên chợ
Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Chỉ mười ngàn đồng một tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố, như cách họ ăn bánh ngô, bánh gạo hay xôi bảy màu.
6. Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ củ ấu tẩu (còn có tên gọi ô đầu, phụ tử), một loại củ có chất độc cực mạnh thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Chất độc của củ ấu tẩu có thể gây tử vong. Nhưng qua cách chế biến tài tình của đồng bào dân tộc, củ ấu tẩu trở thành một món ăn mang hương vị đặc biệt và rất tốt cho sức khỏe.
Gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm, nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu, thêm chút thịt nạc băm nhỏ, chút gia vị vừa đủ. Cuối cùng khi bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi, tía tô mới thành một bát cháo hoàn hảo.
Cháo nấu xong mang sắc nâu đậm, dậy lên mùi thơm đặc biệt, chưa ăn đã thấy ngon. Ăn kèm với các loại rau thơm hay măng chua, bát cháo là tổng hòa của các mùi vị: mùi thơm của nếp, vị ngọt của chân giò, vị béo ngậy của trứng, vị chua của măng cùng vị bùi hơi đắng của ấu tẩu. Một vị đắng dễ chịu tạo nên cảm giác lạ miệng cho thực khách, hơi ấm và hương vị lan tỏa, hương vị đặc biệt của bát cháo khiến người ta thật khó mà quên.
7. Mật ong bạc hà
Mật ong bạc hà Đồng Văn có vị ngọt đậm đà khác hẳn mật ong của vùng khác. Chúng êm dịu, thơm ngon, bổ dưỡng và nhất là có mùi hương đặc biệt. Sản phẩm do chính tay người nông dân cất công chăm sóc ong rồi thu hoạch lấy mật, làm lên những giọt mật ong tinh tuý đặc trưng của vùng núi đá.
Mật ong hoa bạc hà có mùi thơm rất riêng, màu vàng ánh xanh, ngọt lịm, hương thơm man mát đặc biệt dễ chịu.
Thứ mật này có giá trị bồi dưỡng sức khỏe – một thứ thuốc bổ rất cần thiết cho người già và trẻ nhỏ, bên cạnh đó còn có tác dụng chữa bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, làm cho da dẻ hồng hào. Chính vì những đặc tính dược liệu quý cùng với hương thơm, vị ngọt đặc biệt, mật ong hoa bạc hà có giá thành cao nhất trong các loại mật ong.
Mật ong hoa bạc hà là đặc sản quý hiếm chỉ có riêng ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có loài hoa bạc hà tím biếc tỏa hương thơm dịu nhẹ. Sản phẩm ấy như món quà quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc, cho đồng bào sinh sống ở đây.
Bài: Hoàng Ngọc
Ảnh: hagiangonline
Tag :
Các bài viết khác