Một tháng trôi qua kể từ ngày khai giảng, nhưng Trường Mầm non Thụ Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa ổn định được tình hình vì khiếu kiện kéo dài và phụ huynh đến gặp Hiệu trưởng đòi tiền trường.
Theo nguồn tin xác thực từ cô Phan Thị Cẩm (thôn Đồng Châu, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) từ sau khai giảng đến nay, phụ huynh Trường Mầm non Thụ Lộc liên tục kéo nhau đến gặp Hiệu trưởng đòi tiền trường.
Phụ huynh học sinh đến Hiệu trưởng đòi lại tiền trường |
“Nhiều bữa, Hiệu trưởng phải đóng cửa tháo chạy.
Riêng tôi đã viết đơn kiện lên Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, đã phản ánh trực tiếp hay gián tiếp với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Lộc Hà, Ủy ban nhân dân xã Phù Lưu.
Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà và vừa rồi thanh tra huyện Lộc Hà đã có buổi làm việc trực tiếp với tôi, nhưng cho đến nay, chưa thấy có kết luận và phản hồi gì”, cô Cẩm bức xúc.
Được biết, vào giữa tháng 6 năm 2017, cô Hoàng Thị Thành - Hiệu trưởng nhà trường triệu tập cuộc họp tất cả Hội trưởng hội cha mẹ học sinh các lớp để bàn giao số tiền thừa khoảng 80 triệu đồng (trong đó tiền trường bao gồm tiền mua tài liệu, vệ sinh, và nước uống) dư khoảng 54 triệu đồng và tiền ăn bán trú dư khoảng 26 triệu đồng.
Cái gọi là tiền trường đối với học sinh 5 tuổi mức thu là 1.679.000 đồng/em, với học sinh 4 tuổi là: 1.600.000 đồng/ em, học sinh 3 tuổi: 1.575.000 đồng/em; và học sinh 2 tuổi là 1.424.000 đồng /em.
(Mức thu này theo cô Cẩm là cao hơn rất nhiều so với các trường khác trên địa bàn).
Trường Mầm non Thụ Lộc, Lộc Hà, nơi Hiệu trưởng biến thành “con nợ”. |
Còn tiền ăn mỗi học sinh đóng 15.000 đồng/ em mỗi ngày (bao gồm bữa chính 12.000 đồng/ em và bữa phụ 3.000 đồng/em).
Tháng 8 năm 2017, cô Hiệu trưởng họp phụ huynh công bố trả lại tiền trường, nhưng không làm thủ tục để trả.
Đến tháng 9, chuẩn bị khai giảng năm học mới, phụ huynh đồng loạt lên tiếng nên Hiệu trưởng và kế toán mới lập danh sách thừa tiền trường và công bố trả. Nhưng tiền trong tài vụ không còn một xu.
Phụ huynh học sinh, nhất là phụ huynh học sinh 5 tuổi (con lên học lớp 1) những ngày sau khai giảng đến gặp hiệu trưởng đòi tiền.
Tại cuộc họp ngày 13/9/2017 với giáo viên, cô Hiệu trưởng đã ngỏ lời mượn tiền trực bán trú (tháng 4, tháng 5) của giáo viên để trả cho phụ huynh học sinh lớp 5 tuổi.
Theo tính toán, mỗi học sinh lớp 5 tuổi còn thừa 209.000 đồng.
Đơn khiếu kiện |
Theo nguồn tin từ Hội cha mẹ Học sinh, hiện nhà trường mới chỉ xoay xở trả được hơn 18 triệu đồng cho 94 học sinh lớp 5 tuổi.
Còn lại các lớp học sinh 2, 3, 4 tuổi, Hiệu trưởng chưa biết lấy đâu để trả.
Điều thậm vô lý là do áp lực từ phía phụ huynh học sinh, nên cô Hiệu trưởng đã nảy ra “sáng kiến” là lập danh sách gửi giáo viên chủ nhiệm đề nghị phụ huynh chuyển số tiền đó nộp tiền ăn bán trú cho con vào năm học 2017-2018.
Phụ huynh căng biển phản đối, đòi thanh tra trường Mầm non Quảng Thái
|
“Chúng tôi không thể ký vào danh sách “ma” này. Chúng tôi không thể tin cô Hiệu trưởng này được. Quản lý tài chính phải rõ ràng, khoản nào ra khoản đó.
Chúng tôi ký vào danh sách, trường không có tiền, rồi lại nợ nần, rồi lại mua chịu, chất lượng bữa ăn bán trú con cái chúng tôi sẽ ra sao đây?”, một phụ huynh (đề nghị giấu tên) lên tiếng.
Hiện tại, cô Phan Thị Cẩm cùng một số phụ huynh tiếp tục gửi đơn lên các cơ quan chức năng khiếu kiện cô Thành – Hiệu trưởng thu chi sai nguyên tắc tài chính, thiếu minh bạch và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài.
Điều kỳ lạ nữa là năm học 2016-2017, nhà trường đã thu đủ số tiền ăn bán trú của học sinh, nhưng cho đến nay, tiền mua thực phẩm vẫn chưa thanh toán hết.
Chiều ngày 15/9/2017, sau nhiều lần đến đòi tiền nợ mua thực phẩm, mẹ con bà Trần Thị Cháu (thôn Thống Nhất, xã Ích Hậu) lại đến gặp Hiệu trưởng Thành để đòi tiền nợ và khó khăn lắm, Hiệu trưởng trả được 9,5 triệu đồng trong tổng số tiền nợ mua thịt gần 12 triệu đồng.
Mẹ con bà Trần Thị Cháu (thôn Thống Nhất, xã Ích Hậu ) vất vả nhưng cũng chưa đòi được hết nợ. |
Khi nhà trường bị hiệu trưởng biến thành “con nợ” thì làm sao có thể ổn định được tình hình dạy và học cho con em?
Tháng 9 năm 2017, để tổ chức bán trú cho học sinh, nhà trường lại tiếp tục nợ các nhà cung cấp dịch vụ.
LÊ VĂN VỴ