(Baohatinh.vn) - Nhà đổ nát, vườn hoang tàn, nước mắt đang rơi bên những cảnh đời “màn trời chiếu đấ

- Nhà đổ nát, vườn hoang tàn, nước mắt đang rơi bên những cảnh đời “màn trời chiếu đất” ở Kỳ Thượng - một trong những địa phương có số lượng nhà ở bị sập đổ nhiều nhất ở vùng tâm bão huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).


Trước ngôi nhà gỗ đã sập đổ hoàn toàn của gia đình anh Trần Văn Cửu - chị Nguyễn Thị Tuyện ở thôn Phúc Độ, chúng tôi gặp 3 đứa trẻ đang thẩn thờ nhìn mái ấm nhỏ đã tan tành sau bão.
 

cuu giup nhung manh doi man troi chieu dat sau bao

Lãnh đạo huyện Kỳ Anh động viên 3 chị em Trang

Em Trần Thị Hà Trang – con đầu trong gia đình đang học sinh lớp 6 cho biết, bố em bị ốm đang lên Trạm xá xã để chuyền dịch, còn mẹ đi nhận tiền hỗ trợ ở xã. Bố mẹ giao cho mấy chị em ở đây trông nhà. Sau mấy ngày đi tránh bão ở nhà một người trong xóm, gia đình em đã về đây dựng bạt che lều để ở tạm.

“Toàn bộ lúa má, đồ đạc nhà cháu đều nằm trong đống đổ nát này. Sách vở của chúng cháu cũng ở trong đó, ướt hết rồi. Không biết khi nào cháu mới được đến trường” - Trang òa khóc.

Vòng ra phía sau nhà, chúng tôi gặp chị Thái Thị Thủy - một người hàng xóm đang sang nhặt nhạnh lại đồ đạc giúp gia đình chị Tuyện. Chị kể: chẳng thấy mấy ai khổ như nhà này. Vợ bị tật, chồng làm việc quần quật nhưng luôn gặp rủi ro, bệnh tật nên mãi quẩn quanh nghèo đói. Giờ lại nhà sập, đồ đạc trong nhà hư hỏng hết, cuộc sống sẽ hết sức khó khăn trong những ngày tới.

Nhà ông Nguyễn Hồng Hoa cũng thuộc diện hỗ nghèo ở thôn Phúc Độ. Sau bão số 10 chỉ còn như đống phế liệu ngổn ngang.

cuu giup nhung manh doi man troi chieu dat sau bao

Cảnh tượng đổ nát của gia đình ông Hoa

Bà Nguyễn Thi Minh (vợ ông Hoa) chia sẻ: “Mấy ngày qua, cả nhà tôi sang ở nhờ nhà anh Hữu hàng xóm. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều nhờ xóm làng đùm bọc. Nhưng nhà đông người, lại có trẻ con nên cũng bất tiện. Muốn dựng tạm lại ngôi nhà tránh mưa tránh nắng đã nhưng bà con xung quanh nhà ai cũng đang lo sửa sang lại nhà.”.

Thôn Bắc Tiến nằm sát núi Lê Lê, gió bão quẩn tạo thành những cơn lốc giữ dội quật ngã hoàn toàn 8 ngôi nhà, trong đó có cả những nhà xây khá kiên cố. Bên đống đổ nát của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh (đang ở miền Nam chưa về kịp), bà Vũ Thị Hương, mẹ anh Mạnh nghẹn ngào: “Vợ chồng nó đưa nhau vào làm ăn ở miền Nam để kiếm tiền trả nợ mổ tim cho đứa con gái bị bệnh tim và câm điếc từ nhỏ. Bão vào, bà cháu chỉ chạy kịp người chứ đồ đạc trong nhà không sơ tán được. Giờ thì hư hỏng cả rồi; xóm làng, bạn bè nó đang đến thu dọn, gom góp giúp những gì còn sót lại. Vợ chồng nó nghe tin khóc ròng trong điện thoại khi đang trên đường về”.

cuu giup nhung manh doi man troi chieu dat sau bao

Xóm làng đến giúp gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh dọn dẹp lại khu vực nhà bị sập đổ.

Tại nhà ông Lê Văn Thanh (71 tuổi), bị nhiễm chất độc da cam, có 2 đứa con tật nguyền. Sau bão, xóm làng đã đến giúp ông bà dựng tạm chiếc lán nhỏ. Còn ngôi nhà vốn đã xuống cấp, chịu cơn bão lớn đã tan nát không còn chút vật liệu nào còn tái sử dụng được nữa.

Ông Thanh bày tỏ: Dù sau bão, lãnh đạo huyện, xã đã đến giúp đỡ, động viên; con cháu, xóm làng giúp ông bà có chỗ tránh nắng mưa tạm thời. Nhưng với hoàn cảnh ông bà già khó khăn như thế này, việc làm lại nhà là bất khả kháng.

cuu giup nhung manh doi man troi chieu dat sau bao

Với ông Lê Văn Thanh, làm lại nhà là điều bất khả kháng với gia đình

Được biết, xã Kỳ Thượng có 60 ngôi nhà bị sập đổ mức độ 70-100%, trong đó 21 nhà bị hư hỏng hoàn toàn (chiếm ½ tổng số nhà bị sập đổ hoàn toàn trong cả huyện). Trong bão, thông tin liên lạc vùng này bị cắt đứt; giao thông bị chia cắt cho đến tận sáng 17/9 mới có thể lưu thông. Vì vậy, chiều nay (17/9) các lực lượng hỗ trợ mới có thể tiếp cận để giúp người dân dựng lại nhà.

Ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, theo thống kê bước đầu, toàn huyện có 25 ngàn ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó 779 nhà bị thiệt hại từ 50- 70%; 52 nhà bị sập đổ hoàn toàn. “Nhiệm vụ hết sức cấp bách và khẩn trương lúc này là hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống. Trong đó ưu tiên trước hết là huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khôi phục lại những ngôi nhà cửa, làm tốt công tác vệ sinh môi trường và đảm bảo lương thực thực phẩm, không để người dân bị bệnh tật, thiếu đói sau bão”- ông Hoàn cho biết.

Mai Thủy - Nguyễn Oanh


Tag : 


Các bài viết khác

Dat xe
Dat xe
1