Ðoàn tàu chạy tải qua khu gian Ðại Lãnh - Hảo Sơn, đường sắt bắc - nam được thông tuyến. Ảnh: MINH THÚY
Cùng ngày, tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Liên đoàn Lao động Hà Nội đã trao 325.800.000 đồng tới Quỹ cứu trợ TP Hà Nội, ủng hộ đồng bào các tỉnh Nam Trung Bộ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12. Ðây là số tiền cán bộ, đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố và các cấp công đoàn thành phố quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh Nam Trung Bộ.
* Tỉnh Quảng Nam vừa quyết định tạm ứng 23,5 tỷ đồng cho các địa phương để khắc phục thiệt hại do trận mưa lũ vừa qua. Theo đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố sử dụng nguồn ngân sách tạm ứng cùng với nguồn ngân sách cấp huyện và huy động các nguồn khác để tổ chức thăm hỏi, chi hỗ trợ cho gia đình có người chết, bị thương, nhà bị hư hỏng, sập hoàn toàn do mưa bão, khắc phục hệ thống giao thông, thủy lợi và các hạ tầng khác do địa phương quản lý bị hư hỏng theo quy định hiện hành.
* Ngày 14-11, đoàn công tác của ngành ngân hàng đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tỉnh Quảng Nam một tỷ đồng. Dịp này, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao số tiền một tỷ đồng hỗ trợ đồng bào vùng lũ tỉnh Quảng Nam.
* Chiều 14-11, Ủy ban MTTQ tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 400 triệu đồng từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban MTTQ tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận số tiền 300 triệu đồng từ Công ty cổ phần Thanh Yến, một tỷ đồng từ Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang, 200 triệu đồng từ Tổng công ty Ðiện lực Miền Trung hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận số tiền các cá nhân đến ủng hộ tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Cụ thể, ông Nguyễn Ðức Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần CRYSTAL BAY ủng hộ một tỷ đồng; ông Ðặng Bảo Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty ANAMARINA Nha Trang ủng hộ 200 triệu đồng; ông Nguyễn Ðức Tấn, Tổng Giám đốc Công ty ANEX Việt Nam ủng hộ 200 triệu đồng; Công ty TNHH ENCOM Nha Trang ủng hộ 100 triệu đồng.
Ðoàn công tác của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao 500 triệu đồng hỗ trợ cho các trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ðây là số tiền do các nhà giáo, người lao động của ngành giáo dục trong cả nước đóng góp và nguồn trích từ Quỹ Phòng chống thiên tai của Bộ. Ðoàn ủy quyền lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo chủ động phân bổ nguồn hỗ trợ tới các cơ sở giáo dục và gia đình các thầy, cô giáo bị ảnh hưởng. Ðoàn đã đến thăm và trao 100 triệu đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão cho Trường đại học Nha Trang.
* Tại Bình Ðịnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bình Ðịnh vừa ủng hộ một tỷ đồng tới người dân Bình Ðịnh bị thiệt hại do bão số 12. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ủng hộ 300 triệu đồng cho Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Ðịnh để hỗ trợ nạn nhân bị thiệt hại do mưa bão trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, hàng nghìn suất quà của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã được trao trực tiếp cho các hộ dân ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn…
* Tại Quảng Ngãi, sáng 14-11, Thường trực HÐND tỉnh, Tỉnh đoàn, đại diện Quỹ "Từ thiện nhân duyên" tại tỉnh Quảng Ngãi đã đến thăm và tặng 100 suất quà cho các hộ dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 12 trên địa bàn huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng tiền mặt. Tổng trị giá các suất quà là 100 triệu đồng từ nguồn huy động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
* Tại Thừa Thiên - Huế, chiều 14-11, Ðoàn cán bộ Quân khu 4 do Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn và trao quà trị giá 10 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình bà Trần Thị Ny, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), có chồng và con gái chết trong đợt lũ lụt vừa qua. Dịp này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chia sẻ, hỗ trợ gia đình bà Trần Thị Ny hai triệu đồng.
* Ngày 14-11, UBND huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho biết, địa phương đang huy động lực lượng khắc phục sự cố sạt lở xảy ra chiều tối ngày 13-11 tại cồn Phú Ða (ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) làm thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản của người dân. Theo đó, chính quyền đã huy động lực lượng, phương tiện cơ giới để khắc phục và không để xảy ra tình trạng vỡ đê. Ðến 2 giờ sáng ngày 14-11 đã cơ bản giữ được nước không cho tràn vào bên trong. Ðồng thời, lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn sạt lở. Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 13-11, tại cồn Phú Ða (ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) xảy ra vụ sạt lở đê ven sông Cổ Chiên có chiều dài hơn 350 m, ăn sâu vào đất liền, nơi nhiều nhất hơn 20 m làm cuốn trôi bốn căn nhà xuống sông, bảy căn nhà phải di dời khẩn cấp, nhiều hoa màu và ao nuôi cá của người dân bị hư hỏng với tổng mức thiệt hại ước tính khoảng 1,3 tỷ đồng.
Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (ÐSVN) cho biết, vào lúc 10 giờ 40 phút ngày 14-11, tuyến đường sắt bắc - nam được chính thức thông tuyến tại đoạn qua Ðèo Cả (khu gian Hảo Sơn - Ðại Lãnh, Km 1226+780 - Km 1226+825) sau 10 ngày gián đoạn vì sạt lở do bão số 12, sớm hơn so dự kiến một ngày. Trong 10 ngày qua, ÐSVN đã huy động mọi phương tiện, hàng trăm công nhân làm việc 24/24 giờ liên tục; tiếp tục chuẩn bị phương tiện, vật tư nhân lực triển khai khắc phục giai đoạn 2 (bước 1) ngay sau khi trả tốc độ 5 km/giờ,... Từ ngày 14-11, ÐSVN tổ chức chạy tàu khách và tàu hàng bình thường trở lại. Cụ thể, chạy các tàu SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 (không thực hiện việc chuyển tải hành khách giữa hai ga Giã - Tuy Hòa và ngược lại) từ ngày 15-11, tổ chức chạy lại tàu SE9/10.